TỔNG QUAN VỀ BOOST VÀ DISTORTION PEDAL



CHÚ Ý: BÀI VIẾT HƠI DÀI, HÃY ĐỌC VÀO GIỜ ĂN CƠM.

Trong lịch sử phát triển của giới guitar, tồn tại hai loại pedal vô cùng quan trọng, song chỉ có một loại ở thời hiện đại các newbie mới quan tâm nhiều; đó chính là Distortion. Còn các cục Boost thì lại ngồi thu lu một xó, chỉ có các cụ già sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình hình thành và phát triển của mình, giới cần thủ “nhạc đá” đã nợ hiệu ứng Boost rất nhiều, bởi nó là nền tảng của nhiều hiệu ứng sau này. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng KHP nghiên cứu lại về sự bá đạo của hai loại hiệu ứng này nhé

I: Câu truyện tóm lược của Boost thời quá khứ

Boost là một trong những loại effect đầu tiên ra đời. Trong thực tế, bất cứ người chơi guitar hiện đại nào cũng nhận ra một cách rõ ràng rằng, tiếng guitar clean của mình nghe như ****, bởi lẽ cái pickup của guitar - đặc biệt là pickup single coil, tạo ra tín hiệu với hiệu điện thế bé tẹo (rơi vào tầm 0.2V cho đến 1V nếu may mắn). Humbucker có thể làm tiếng khả quan hơn chút, song thì cũng có phải ai cũng chơi superstrat hay les paul đâu.

Đấy là câu chuyện của thời hiện đại, bởi ở quá khứ, việc này còn tệ hơn nhiều; bởi vì công nghệ của thời kỳ ấy cũng như **** thật, pickup vừa mất treble - vừa thiếu volume - vừa noise. Mọi chuyện còn khổ hơn khi âm ly các cụ sử dụng lại là âm ly đèn với độ khuếch đại lớn, sử dụng linh kiện cổ điện như điện trở than và tụ điện giấy vốn khét tiếng về độ noise của chúng.

Trước tính thế đấy, một số nhà phát minh nghĩ ra ý tưởng tạo ra một thiết bị - ở đây tôi sẽ chỉ gọi là “Module” vì ở thời kỳ đấy cục pedal nằm đất chưa tồn tại và các cục đấy to gần bằng một cái hộp bánh Danisa, có nhiệm vụ khuếch đại tín hiệu và lọc một số noise đi; và chúng ta chứng kiến sự ra đời của hiệu ứng Boost. Ở đây, do có nhiều tên gọi khác nhau, như Preamp, từ bây giờ đến bài viết chúng tôi gọi nó là “Boost”.

Vậy thì Boost làm gì? Đơn giản thôi, nó chỉ khuếch đại tín hiệu. Nhưng nói thế thì đơn giản quá, chúng ta phải nói về trái tim của mỗi cục boost: Transistor. Transistor - hay gọi là “bóng ba chân” một cách dân dã, là một sản phẩm vĩ đại của cái nhân loại khốn khổ này. Nguyên tắc hoạt động của bóng ba chân - với tư cách là một thiết bị khuyếch rất đơn giản: bạn cho tín hiệu vào chân nền, tín hiệu ra từ hai chân còn lại bạn thu được sẽ to hơn rất nhiều với tín hiệu cũ kia!!

Tuy nhiên, cái hay của Boost là nó giữ lại được tính dynamics của tiếng đàn guitar - khác biệt hoàn toàn với Distortion (chúng ta sẽ bàn về vấn đề này sau). Ơ khoan, thế sao các cục Boost vẫn tạo ra Distortion được - thậm chí hay là đằng khác? Câu trả lời rất đơn giản: nó tạo ra distortion được đơn giản là một trong hai lý do: “lỗi thiết kế” của mạch boost khiến tín hiệu được khuếch đại đến độ nhất định thì lại tự dưng “khựng” lại và bị “xẻo” một miếng ở trên đầu; hoặc đơn giản mạch thiết kế quá tốt khiến tín hiệu làm âm ly của bạn quá tải do nhận được tiếng đàn quá lớn, không khuếch đại hết được khiến tín hiệu bị xẻo một miếng trên đầu.

Tuy vậy, ở cả hai trường hợp, việc tín hiệu bị “xẻo” chỉ xảy ra ở trường hợp chúng ta đánh quá mạnh tay; còn không thì headroom và dynamics của guitar bạn vẫn thoải mái điều khiển. Điều này khiến cho Boost dù là một loại hiệu ứng cổ điển vẫn được người ta ưa thích, và rất hợp cho nhạc blue và bất cứ cái gì của Queen. Một fun fact khá hay là Brian May của Queen, Tommi Iommi của BLACK SABBATH đều sử dụng chung - và chỉ sử dụng có đúng một hiệu ứng, đó là module boost có tên là “Dallas Rangemaster”. Tuy nhiên, module này lại khuếch đại chủ yếu tín hiệu treble và mid, dẫn tới một hiệu ứng rất lạ gọi là “Treble Boost”. Hiệu ứng này có thể miêu tả là “béo”, ”creamy”.

Một điều thú vị hơn nữa là những module Boost đầu tiên lại là… Treble Boost. Lý do của việc này là do việc kỹ thuật và giới hạn công nghệ thời ấy không tạo ra được mạch điện có thể khuếch đại xuống tận cùng của phần bass nếu không muốn cục module ấy khiến cho các nhạc bị “viêm màng túi”, khiến không tay cầm thủ nào có tiền mua được. Nên có thể coi đây là “lỗi hóa thành tính năng”, bởi vì âm ly và các mẫu guitar những thời điểm đấy cũng dảk ngang ngửa tiền đồ của chị Dậu - thiếu treble trầm trọng, đặc biệt là tại nước Anh thân yêu - nơi đẻ ra ban nhạc The Beatles. Việc đẩy được Treble lên là cứu cánh cho mọi đoạn riff hay solo ngầu đét xe lét, và chúng ta chắc chắn ai cũng vỗ tay tán thưởng khi cụ Tommi bắt đầu cho con quái vật của mình gầm rú. Các cục Treble Booster ngồi chễm trệ trên cái head Marshall to oành, là kẻ tạo nên nhứng tiếng đàn không thể quên được với những người đam mê “nhạc đá”.

Tuy nhiên, đến những năm 1980, các cục Treble Boost đã bắt đầu mất đi vị trí bá đạo của nó. Công nghệ đã phát triển đủ để không cần phải lo lắng tới việc mất treble và mất volume; các loại linh kiện và nguyên vật liệu bán dẫn mới ra đời - dần thay thế chất Ge vốn được sử dụng trong các cục Treble Boost. Giờ đây, với các âm ly được thiết kế tốt với giá thành phải chăng, việc Boost tín hiệu đã được định sẵn bên trong từng âm ly; người chơi dần chỉ cần vặn một cái núm là có headroom ngầu đét con tép. Thế là hiệu ứng Boost sa cơ, mất đi vị trí độc tôn của nó… Và đến ngày được hồi sinh lại

II: Distortion - hiệu ứng kỳ lạ.

Hiệu ứng Distortion - Dist, ở đây chúng tôi dùng chung cho Fuzz và Overdrive luôn, nếu nói về mặt kỹ thuật, thì nó là cái gì đó rất chi là dị hợm. Nó y hệt hiệu ứng Boost, chỉ khác nỗi rằng thay vì cắt xẻo tín hiệu một cách tự nhiên thì nó cắt con m* n* tín hiệu ở cái khoảng hiệu điện thế cực thấp sau khi khuếch đại. Đấy là vì sao khi sử dụng hiệu ứng Dist, bạn cảm giác như tiếng đàn mình không có tý ty dynamics gì cả; nhưng đổi lại nó hằn học hơn và bạn cũng không phải nghĩ nhiều về việc đánh mạnh hay nhẹ nữa. Và thực tế rằng, sử dụng Dist cho các câu riff nhanh và mạnh luôn là sự lựa chọn tối ưu - và tôi đố các bạn tạo ra được quả intro của “I’m not okay” mà thiếu cục Tube Screamer.

Vậy, thứ gì đa phần thực hiện đã “xẻo” phần tín hiệu? Câu trả lời rất đơn giản: Diode! Diode là một linh kiện điện tử chỉ cho dòng điện đi qua theo đúng một chiều, và chỉ ăn hiệu điện thế rơi vào 0.2V cho tới gần 0.7V. Lợi dụng đặc tính này, các nhà thiết kế đã tạo nên một hệ thống mạch điện gọi là “cầu phân áp”, khiến tín hiệu ngay sau khi được khuếch đại bị cắt cụt lủn. Đấy là xẻo một cách “phi tự nhiên”, và như đã nói: làm mất đi dynamics và headroom của guitar.

Lịch sử của Dist khá thú vị, khi nó đi cùng với Rock N’ Roll. Người ta muốn cái gì đó hằn học hơn, mà lúc những năm 1940 đến 1950 làm gì dễ dàng kiếm được transistor :v. Thế là các cụ nghĩ ra một cách: Đó là chọc thủng màng loa 🙂. Nghe rất tự hủy nhưng đấy là cách duy nhất với công nghệ ở thời điểm đấy thì đấy là cách duy nhất; còn không thì khóc dòng mà chơi nhạc nhẹ không lấy le được với gái. Còn một cách nữa, đó là vặn cái nút gain của âm ly lên mức cao nhất; song không phải cái âm ly nào cũng làm được thế. Và cả hai cách đều không cho thứ tiếng ngầu đét như chúng ta được nghe ở thời hiện đại

Pedal Dist đầu tiên chúng ta được chứng kiến, chính là cục Fuzz Tone của Maestro - một nhãn hiệu pedal phải nói là bá đạo nhất nhì giới guitar cho tới tận thế kỷ XXI. Và người đầu tiên sử dụng hiệu ứng này, lại không phải cụ Jimi Hendrix, mà lại là Grady Martin. Cũng trong khoảng thời gian đó, có một vài lúc hiệu ứng Fuzz được sử dụng trong một vài bài hát, ví dụ như The Ventures đã sử dụng hiệu ứng này trong bài hát "The 2000 Pound Bee" năm 1962 của họ. Năm 1965, The Rolling Stones chuẩn bị thu âm phiên bản thứ hai của "(I Can't Get No) Satisfaction." Ý tưởng ban đầu là để một đoạn kèn chơi Riff của cả bài hát. Keith Richards đã thực hiện những phần này với cục Maestro FZ-1 như một “bản phác thảo”, và đã nghĩ rằng bản ghi âm sẽ được thay thế bằng phần kèn thực sự sau này. May mắn thay, cụ ấy đã được người quản lý của ban nhạc và kỹ sư phòng thu thuyết phục để im. Và cục FZ-1 bán đắt như tôm tươi ngay sau đó

Một công ty không thể không nhắc đến trong chủ đề này là Marshall. Năm 1966, Marshall đã có thể dần dần bắt đầu tăng cường âm Treble trên mấy con âm ly tube của mình, do đó cho phép người chơi guitar đạt được độ có thể “chạm” được tiếng đàn ngọt ngào và thô mộc. Những năm 1960 đã cho chúng ta nhiều guitar hero sẽ được ghi nhớ trong lịch sử với tư cách là một trong những người chơi giỏi nhất mọi thời đại – và đứng trên tất cả không ai khác Jimi Hendrix. Trong khi mọi người trên Trái Đất đều quen thuộc với việc sử dụng mỗi Stratocasters, cụ Jimi lại có một món vũ khí khác trong kho vũ khí đồ sộ của mình - Cục Fuzz Face. Cục pedal này là cái cỗ máy tạo headbang đỉnh nhất nhân loại từng chứng kiến, và đến nay người ta vẫn sử dụng nó. Ở thời kỳ đó, các cục pedal đa phần sử dụng bóng ba chân dùng nguyên liệu Ge, nhưng công ty đã tạo ra một bộ mạch không cần đến diode để tạo ra phần “xẻo” tín hiệu - tạo ra tiếng đàn cực kỳ đặc trưng cho mọi cần thủ khi sử dụng.

Những năm 1970 chứng kiến sự gia tăng đáng kể của cục pedal Dist đúng nghĩa, với công ty huyền thoại như MXR nhảy vào cuộc chơi này và tiêu chuẩn hóa hình dáng của pedal hiện đại. Ngoài bàn đạp OD-1 và DS-1 của Boss, chúng ta đã thấy MXR với Distortion Plus, Electro-Harmonix với Big Muff Pi của họ và Ibanez Tube Screamer TS808 thay đổi cuộc chơi được phát triển từ cục Maxon OD808. Nói về những năm 80, trong thời gian này, công ty có tên Pro Co Sound đã phát triển thêm RAT bàn đạp méo tiếng phổ biến của họ, cung cấp một số âm thanh có thể miêu tả bằng hai chữ “nghiền nát”, và vô tình tạo ra tiêu chuẩn pedal Dist nên chỉ có tối đa ba núm điều chỉnh, và phải thật đơn giản.

Khi nhạc Metal - khai sinh bởi Black Sabbath, phát triển hơn nữa, một số nhà thiết kế pedal đã tiến vào lãnh địa của cực đoan và bất ngờ, vô tình tạo cuộc chạy đua về độ nặng của các cục pedal. Boss đẩy mạnh trò chơi với HM-2 và DS-2. HM-2 được sản xuất từ năm 1983 đến 1991 và sau đó được hồi sinh dưới dạng sản phẩm mới mang tên MT-2 Metal Zone. Trong khi nhiều người đam mê guitar vẫn nói đùa về thảm họa Metal Zone; chúng ta vẫn phải công nhận âm thanh cực kỳ sắc nét và độ méo mó (đến mức không thể chịu nổi) của MT-2 vẫn là một trong những sản phẩm đỉnh nhất mọi thời đại mà Boss thiết kế được.

III. Tương lai cho Boost và Distortion

Như đã phân tích ở trên, Boost và Distortion có thể coi có quan hệ bố con. Tuy vậy, cả hai hiệu ứng trên đều có những giới hạn nhất định, mà khó có thể giải quyết. Đến những năm 90, người ta bắt đầu “nghiên cứu” việc làm cho Distortion giữ được Dynamics nhưng vẫn giữ được việc tín hiệu được “xẻo” chỉ ở một mức nào đó trên đỉnh, nhưng lại phải đủ “thông minh” để mạch điện tự biết xẻo ở đúng trên đỉnh. Và việc này chắc chắn đòi hòn một tầm nhìn và một khối kiến thức đồ sộ về mạch điện, chứ không chỉ đơn giản như tư duy của những nhà thiết kế MXR Distortion Plus - cục pedal chỉ có 18 linh kiện trong cả cục.

Và có lẽ, người thành công nhất trong việc này nhất chính là Bill Finnegan với tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời mang tên Klon Centaur. Không phải nói nhiều làm chi, Klon Centaur thật sự đem lại một luồng gió mới cho giới cần thủ, khi nó mang trong mình một thiết kế cực kỳ thông minh và “think outside of the box”! Klon Centaur làm nó như thế nào? Đại loại rằng, tín hiệu khi đi vào cục pedal này sẽ được khuếch đại, bị cắt kẻo; song tín hiệu vừa được cắt xẻo kia lại được mix với tín hiệu gốc được khuếch đại. Sau khi mix, tín hiệu lại được Boost lên rất mạnh bởi một hệ thống mạch tiếp nối phải nói là… kỳ quái. Và cuối cùng, chúng ta có tín hiệu đầu ra - có thể coi là tổng hợp của tín hiệu gốc và tín hiệu bị Distortion được khuếch đại. Có thể nói rằng, Klon Centaur là cái gì đó “lai tạo” giữa Boost và Distortion; và thực tế có các cần thủ nổi tiếng sử dụng Klon Centaur như là một cục Boost hơn là một cục Distortion. Và thật sự, ai quan tâm chứ? Klon Centaur là một tác phẩm nghệ thuật, và có thể được sử dụng như một cục Boost hay Distortion.

Một số người khác không thích thế. Họ thích tín hiệu bị cắt xẻo thô bạo như những cục pedal cũ kỹ kia, nhưng lại muốn tín hiệu đi ra được khuếch đại lớn hơn. Và, chúng ta có cục King of Tone của Mike Piera. Nói trắng ra, thì bác Mike “ăn trộm” luôn cục Blue Breaker của Marshall đấy :v. Nhưng bác Mike lại mod sai cho tốt đến nỗi thứ bác tạo ra có độ khuếch đại lớn gấp 4 lần Tube Screamer và Transparent hơn hẳn. Và một điều rất thú vị, là King of Tone có thể nhanh chóng biến đổi từ Distortion, thành Overdrive, thành Boost chỉ nhờ vài nút gạt trên mạch.

Vì sao những cục pedal như Klon Centaur và King of Tone lại quan trọng và được đề cập ở đây? Đơn giản bởi vì chúng được khai sinh bởi thời kỳ phát triển của công nghệ thông tin, và sự phát triển như vũ bão của công nghệ bán dẫn đã giúp tiếp cận các loại linh kiện điện tử dễ hơn bao giờ hết. Và chúng lại được thiết kế bởi dân DIY với kiến thức điện tử có thể coi khó bằng được các công ty lớn. Tuy nhiên, với việc thí nghiệm, với việc tìm tòi không ngừng, chúng ta đã chứng kiến những cục pedal Dist, cục Boost tương tự như King of Tone hay Klon Centaur ra đời, làm náo loạn cả thị trường pedal. Và các nhà thiết kế nhỏ lẻ như Mike Piera, Bill Finnegan dần dần có chỗ đứng trong giới cần thủ, với ví dụ gần đây nhất chính là Josh Scott và lão đại Fuzzlord.

Và ở thế kỷ XXI này, chúng ta cũng thấy càng ngày càng có nhiều người tự nghiên cứu điện tử và tự tay sản xuất pedal cho chính bản thân, và có vẻ đang có một phong trào DIY-Pedal đang nổi lên trên toàn thế giới (đặc biệt là ở các nước phương Tây, Nga và Nhật Bản). Boost và Distortion là hai hiệu ứng có thể dễ dàng thiết kế nhất, với linh kiện các loại mà trong các cục Boost hay Distortion thường xuất hiện, giờ có thể tương đối dễ dàng mua được. Và trong tương lai gần, có lẽ, các hãng lớn sẽ phải nhường lại một phần đáng kể cho các hãng pedal bé hơn - góp phần làm đa dạng sản phẩm và kích thích sự sáng tạo tìm tòi trong giới cần thủ. Và gần đây nhất, chúng ta lại được chứng kiến một thiết kế vô cùng thú vị mang tên “Variable Clipping” cho Distortion của anh Pete Cornish - có thể coi là một bước đột phá trong kỹ thuật.

Đồng thời, thế hệ người chơi nhạc mới cùng dần dần có khả năng tiếp cận với các album cổ điển, và đồng thời đang có một có chiều hướng tìm lại những giá trị cũ của các cục pedal. Bạn còn nhớ cục Rangemaster không? Giờ nó đã được đào xác lại, bởi chính… Brian May khi mà nhu cầu của mọi người với việc copy được tiếng đàn đặc chưng của cụ càng ngày càng nhiều. Và những cục pedal Boost cũ kỹ ấy, lại được một lần nữa tôn trọng và tái thiết kế sao cho khuếch đại được lớn hơn, Headroom càng ngày càng to như những phần tiền khuếch đại của các âm ly tube vậy.

Tóm gọn lại, Boost và Distortion, ít nhất ở thế kỷ XXI này, đang có một tương lai sáng lạn về cả số lượng người dùng và cả việc sáng tạo chúng. Và không chừng, Việt Nam ta với một thế hệ cần thủ trẻ mới - ảnh hưởng rất nhiều bởi Cá Hồi Hoang, Ngọt,... đính kèm với bệnh “viêm màng túi” kinh niên, sẽ tự tay tạo ra các cục pedal của riêng mình với mức giá rẻ hơn, thú vị hơn?

 

Ủng hộ tôi một ly cafe nếu bạn thích bài viết này